SINH VIÊN NĂM NHẤT NGÀNH KHOA HỌC Y SINH THỰC CHIẾN TẠI PHÒNG THÍ NGHIỆM - VNUK

SINH VIÊN NĂM NHẤT NGÀNH KHOA HỌC Y SINH THỰC CHIẾN TẠI PHÒNG THÍ NGHIỆM

VNUK >Khoa học y sinh >SINH VIÊN NĂM NHẤT NGÀNH KHOA HỌC Y SINH THỰC CHIẾN TẠI PHÒNG THÍ NGHIỆM

Cũng như nhiều ngành khoa học ứng dụng khác, ngành Khoa học Y sinh ở bậc Đại học không chỉ đòi hỏi một khối lượng kiến thức “khủng” mà còn yêu cầu nhiều kỹ năng chuyên môn vững vàng. Một môi trường đào tạo chú trọng tính thực tiễn, tăng cường những trải nghiệm sẽ là điều kiện cần thiết để sinh viên làm chủ kiến thức một cách hiệu quả nhất. Cũng vì lý do đó mà Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (VNUK), sinh viên ngành Khoa học Y sinh (BMS) luôn phải sẵn sàng thực chiến với những “thử thách” mang tên thí nghiệm, thực hành, thực tế trong phần lớn thời gian học tập của mình, chỉ có điều những thử thách này lại khá là… hấp dẫn ngay từ năm đầu tiên.

Nằm trong lộ trình đào tạo của ngành, Core skills là học phần “vỡ lòng” dành cho sinh viên BMS khi bắt đầu đi sâu vào chuyên ngành. Tại đây, các bạn được bắt tay vào thí nghiệm, được tiệm cận, làm quen với các dụng cụ thực hành hiện đại. Vì là lần đầu tiên nên khiến các bạn bỡ ngỡ trước cách thiết kế, bày trí và sử dụng trình tự hóa chất. Nhưng sâu sát cùng với đó là sự hướng dẫn chi tiết của PGS. TS Giang Thị Kim Liên – Giảng viên Khoa, sinh viên cũng nhanh chóng bắt nhịp, tiếp thu được các nguyên tắc đảm bảo an toàn trong quá trình thực hành. Đặc biệt, khi nhận về thí nghiệm đầu tay với chủ đề: “Chiết xuất Anthocyanin từ Red cabbage ứng dụng làm chất chỉ thị pH indicator trong phân tích thực phẩm và hóa học”, các bạn vô cùng hào hứng,  nhiều câu hỏi, cuộc thảo luận giữa các thành viên đã liên tục được đặt ra đầy sôi nổi.

Thí nghiệm Chiết xuất Anthocyanin từ Red cabbage (Brassica oleracea var capitata ruba) được ứng dụng tạo nên chất chỉ thị pH an toàn, “thông minh” trong việc phân tích thực phẩm, nhận diện được những loại thực phẩm nào trên thị trường có sự can thiệp của các chất độc hại. Việc lựa chọn và đưa vào những thí nghiệm mang tính thực tiễn cao, gần gũi với cuộc sống thường nhật sẽ bước đầu giúp các bạn sinh viên hình dung được những học phần sắp tới sẽ không cằn cỗi, lý thuyết mà trái lại rất sinh động trong đời sống thực tế.

Bạn Olivia đến từ UK, sinh viên năm nhất chia sẻ: 

“Một người có thể thực hành một thí nghiệm nhưng rất dễ bị mắc lỗi sai trong quy trình, nhưng khi làm cùng một nhóm, điều đó sẽ được hạn chế đến mức tối đa vì các bạn được xử lý cùng nhau và được học hỏi lẫn nhau. Bên cạnh đó, kỹ năng được học nhiều nhất chính là cách vận hành các thiết bị máy móc trong phòng thí nghiệm, việc sử dụng và điều chế các hóa chất để chúng mình được chủ động hơn trong những buổi học tiếp theo. Điều này rất quan trọng với mình vì trước khi tham gia khóa học, mình thậm chí chưa kịp trang bị kiến thức gì cho bản thân, không có cơ hội được thực hành nhiều ở cấp phổ thông.”

Sean Orin Macdonald – Canada tiếp câu chuyện: 

“Việc thực hành thí nghiệm ngay từ năm nhất mang lại rất nhiều lợi ích cho chúng mình, đầu tiên là bạn được vận dụng ngay kiến thức lý thuyết vào thực tiễn, linh hoạt trong việc sử dụng các thiết bị trong phòng thí nghiệm, đó cũng là lợi thế để bạn không cảm thấy ngỡ ngàng khi sử dụng các thiết bị tương tự trong những ngành học có liên quan. Thứ hai là việc thực hành ngay từ năm một cũng giúp mình tiếp cận với các loại dụng cụ, dễ dàng nắm bắt kiến thức thực tế hơn khi đi thực tập tại nhiều đối tác.”

Lợi thế thực hành thường xuyên ngay tại trường chính là nền tảng giúp sinh viên ngành Khoa học Y sinh quen tay với các thiết bị, máy móc hiện đại, ít bỡ ngỡ và dễ dàng nắm bắt kiến thức thực tế hơn trước khi đi thực chiến ở nhiều doanh nghiệp sau này. Các bạn được tôi luyện trên giảng đường ngay từ năm một là cách để rèn tính tỉ mỉ, cẩn thận và chính xác cho những sinh viên ngành, đó cũng là cách tạo nên sự tự tin, mạnh dạn cho sinh viên khi chính thức gia nhập vào môi trường làm việc chuyên nghiệp.

“Đặc sản” riêng của VNUK chính là để sinh viên năm nhất tham gia nghiên cứu cùng các giáo sư, giảng viên thay vì chỉ tiếp thu kiến thức thụ động mà không có sự tương tác qua lại hay tư duy phản biện. Khi tham gia môi trường nghiên cứu thực tế từ sớm, sinh viên sẽ được trực tiếp tìm hiểu, khám phá, kiểm chứng để làm chủ quá trình tạo ra tri thức mới, đồng thời tiếp cận được với những kiến thức mới trong nhiều lĩnh vực.

Verified by MonsterInsights