Học Quản trị kinh doanh Số ở đâu tại Miền Trung? - VNUK

Học Quản trị kinh doanh Số ở đâu tại Miền Trung?

VNUK >Quản trị kinh doanh số >Học Quản trị kinh doanh Số ở đâu tại Miền Trung?

Với những bạn sắp bước vào đại học, chọn một ngành học không chỉ cần phù hợp với đam mê, năng lực mà còn cần theo đúng nhu cầu của thị trường lao động. Ngành Quản trị kinh doanh số sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho thế hệ gen Z khi “hơi thở” cuộc sống người trẻ như hòa cùng nhịp điệu sự phát triển công nghệ tại cả Việt Nam và thế giới. Nhưng, học Quản trị kinh doanh số ở đâu tại miền Trung? 

Chưa bao giờ Quản trị kinh doanh số lại “hot” như thế!

Trong thế giới số, tất cả các nhu cầu của con người từ đi lại, mua sắm, thanh toán, du lịch, tìm hiểu thế giới xung quanh, cho tới ăn uống, giải trí, chăm sóc sức khỏe,… đều có thể tiến hành với một vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh hay máy tính được kết nối Internet. Những bước chuyển mình trong công nghệ đã thu hẹp mọi khoảng cách, cho phép mọi người xích lại gần nhau, cả thế giới rộng lớn dường như được thu nhỏ trên bàn tay mỗi người. 

Giờ đây, mô hình kinh doanh số (Digital Business) được xem là một xu hướng tất yếu toàn cầu và đang là mục tiêu chuyển đổi trong hầu hết các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Vì thế, sự ra đời của ngành học Kinh doanh số, Quản trị kinh doanh số, Thương mại điện tử hay như các “ngách” nhỏ hơn như Marketing số, Truyền thông số,… đã và đang trở thành sự lựa chọn học tập hàng đầu của nhiều bạn trẻ trong nước và trên thế giới nhằm nắm bắt thị trường lao động trong thời kỳ chuyển đổi 4.0.

Nếu như nhiều trường Đại học trên thế giới đã bắt đầu đào tạo ngành này từ khoảng năm 2010, thì tại Việt Nam, đến khoảng năm 2015 mới có những trường khởi động đầu tiên, như Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội/TP.HCM, Đại học Thương mại (Hà Nội), Đại học Tài chính – Ngân hàng (TP.HCM) …

Những trường đào tạo Quản trị kinh doanh số hàng đầu tại Miền Trung

Trường đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng

Ngành: Thương mại điện tử

Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng – UDN chính thức công bố thành lập đào tạo ngành Thương mại điện tử vào 5/4/2018. Thống kê sơ bộ, năm 2019 và 2020 vừa qua, nhà trường đã tiếp nhận hơn 140 – 160 sinh viên tuyển sinh vào ngành này.

Theo thông tin từ website chính thức của trường, sinh viên sẽ được đào tạo bài bản về Thương mại điện tử (TMĐT) căn bản, quản trị TMĐT, marketing TMĐT, thực hành khai thác các dữ liệu trực tuyến thông qua các loại máy tìm kiếm thông dụng: Google, Facebook, Facebook trends, Bing, Yahoo, Graph search,…thanh toán điện tử, thương mại di động, quảng cáo điện tử, chính phủ điện tử,…

Trường đại học Kinh tế – Đại học Huế

Ngành: Thương mại điện tử

Là một ngôi trường có bề dày lịch sử (thành lập vào năm 1957), đội ngũ giảng viên giàu thâm niên, nhiều năm gắn bó với nghề và giàu tâm huyết chính là chỗ dựa vững chắc cho các tân sinh viên có thể học hỏi, trau dồi kiến thức. Giáo trình Thương mại điện tử của Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế đi từ bài bản đến nâng cao, mang tính chất cập nhật, sát với xu hướng của thị trường. Ngành Thương mại điện tử tại Đại học Huế hàng năm lấy khoảng 60 chỉ tiêu sinh viên hệ ĐH Chính quy.

Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh  (VNUK) – Đại học Đà Nẵng

Ngành: Quản trị kinh doanh số

Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, trực thuộc Đại học Đà Nẵng, chính thức tuyển sinh ngành Quản trị kinh doanh số từ năm 2021, với lộ trình đào tạo và chuẩn đầu ra được xây dựng dựa trên tư vấn của Đại học Aston (UK). Theo đó, sinh viên sẽ có một năm học đầu tiên để củng cố trình độ Tiếng Anh, học các môn nền tảng và phát triển tư duy. Sau khi có IELTS 6.0 trở lên, sinh viên sẽ tiếp tục học các môn chuyên ngành như E-commerce (Thương mại điện tử), Khởi nghiệp trong thời đại số, Phân tích dữ liệu lớn (Big data), Quản trị hệ thống thông tin, Số hoá dữ liệu và chuyển đổi vận hành kinh doanh, Quản trị dự án số, Digital Marketing, … nhằm giúp sinh viên có cái nhìn chiến lược về quản trị doanh nghiệp trên nền tảng số.

Điểm nổi bật trong chương trình đào tạo của VNUK có thể kể đến như: 100% lớp học sử dụng Tiếng Anh, nhờ vậy, sinh viên tự tin sở hữu chứng chỉ IELTS 6.5 sau khi tốt nghiệp; Đặc biệt, sinh viên được tạo điều kiện sớm tiếp xúc với doanh nghiệp nhờ các buổi gặp gỡ với các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực chuyển đổi số, tham quan các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, các buổi phân tích dữ liệu thực tế cùng giảng viên, thuyết trình và đưa ra các đề xuất chiến lược số hóa, sinh viên cũng được sắp xếp đi thực tập ngay từ năm nhất nếu đạt yêu cầu.

Kiến thức, Tiếng Anh và kĩ năng chuyển đổi được rèn luyện trong suốt 4 năm đại học sẽ giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh số tại VNUK tự tin khởi nghiệp và gia nhập thị trường lao động số.

Đại học Duy Tân

Ngành: Kinh doanh số

Là một trường đại học tư thục đào tạo đa ngành tại Đà Nẵng. Từ năm 2020, Đại học Duy Tân mở thêm ngành Kinh doanh số, thuộc Khoa Quản trị kinh doanh. Ngành Kinh doanh số tại trường hướng đến đào tạo các kỹ năng cần thiết và kiến thức chuyên sâu nhằm giúp sinh viên sẵn sàng cho việc quản trị các hệ thống kinh doanh dựa trên việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ thông tin và phân tích dữ liệu; phát triển và ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số vào môi trường kinh doanh truyền thống, và tạo dựng những chuyển dịch kỹ thuật số vào các dự án kinh doanh và đầu tư.

Đại học Đông Á

Ngành: Thương mại điện tử

Ngành Thương mại điện tử được Đại học Đông Á mở ra từ năm 2021. Sinh viên có lộ trình đào tạo bài bản từ kiến thức nền tảng đến kiến thức chuyên sâu trong 4 năm, tập trung vào hoạt động Quản trị kinh doanh, marketing thương mại  trong doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp TMĐT nói riêng, đồng thời, rèn luyện các kỹ năng cần thiết để sinh viên thích nghi được trong môi trường công nghệ thay đổi không ngừng.

Trên đây là 5 trường đại học đào tạo ngành Quản trị kinh doanh số hàng đầu tại Miền Trung. Hy vọng thông qua bài viết này, các sĩ tử sẽ có cơ sở để đưa ra những lựa chọn đúng đắn, đặt nền móng quan trọng hiện thực hóa ước mơ nghề nghiệp của mình.

 

Leave a Reply

Verified by MonsterInsights